ADB tiết lộ “bằng chứng” niềm tin mạnh mẽ của giới đầu tư quốc tế với triển vọng kinh tế Việt Nam

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cộng đồng quốc tế đang có niềm tin mạnh mẽ đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Hôm nay (23/7), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ấn phẩm Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 7/2025. Đáng chú ý, theo dữ liệu của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ chững lại trong ngắn hạn, vì chính sách thuế quan của Mỹ. Cụ thể, ADB dự báo GDP của Việt Nam năm nay tăng 6,3% và 6% năm kế tiếp, lần lượt giảm 0,3% và 0,5% so với mức được đưa ra cách đây 3 tháng. Theo ADB, lạm phát của nước ta cũng dự kiến giảm xuống còn 3,9% trong năm 2025 và 3,8% vào 2026.

Theo ông Albert Park, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng mới từ ngày 1/8 dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu trong phần còn lại của năm 2025 và năm 2026.

Trên thực tế, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã bị chậm lại từ cuối năm ngoái. Dù vậy, giới phân tích vẫn kỳ vọng những cải cách trong nước có thể giúp giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế nếu được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng.

Báo cáo của ADB nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam được thúc đẩy nhờ tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ cùng với sự gia tăng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nửa đầu năm nay cũng đã tăng 32,6%, trong khi giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu này cho thấy niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam.

ADB cũng ghi nhận điểm sáng trong nửa đầu năm 2025 ở Việt Nam như giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, khi đạt khoảng 31,7% kế hoạch, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, việc hạ dự báo tăng trưởng của ADB đang ngược với nhiều tổ chức quốc tế. Theo đó, vào đầu tháng 7, United Overseas Bank (UOB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 thêm 0,9% với mức trước đó, lên mức 6,9%. UOB điều chỉnh dự báo sau khi GDP quý II của Việt Nam tăng trưởng vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn 0,1% so với dự báo trước khi Mỹ áp thuế đối ứng lên các nước, bao gồm Việt Nam.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. Đáng chú ý, tại hội nghị vào tuần trước, Thủ tướng cho biết Chính phủ đưa ra chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng cụ thể từu 8,3% - 8,5% năm 2025 nhằm tạo đà đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026 -2030.

Theo số liệu Cục Thống kê (thuộc Bộ Tài chính), GDP quý II ước đạt 7,96%. Con số này vượt dự báo của Bloomberg (6,85%) và UOB (6,1%). Tính chung nửa đầu năm 2025, nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 7,52%, cao nhất kể từ năm 2011.

- Ảnh 2.

Biểu đồ: MH

ADB dự báo gì về tăng trưởng ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương?

Không riêng gì Việt Nam, ADB cũng đã điều chính giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho những nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong năm 2025 và năm 2026. Theo ADB, việc hạ dự báo chủ yếu là do dự kiến xuất khẩu giảm trong bối cảnh Mỹ tăng thuế nhập khẩu, cũng như môi trường thương mại toàn cầu thiếu ổn định và nhu cầu trong nước suy yếu.

Cụ thể, ADB dự báo các nền kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2025, giảm 0,2% so với dự báo vào hồi tháng 4. Ngoài ra, dự báo của ADB cho năm 2026 cũng được điều chỉnh giảm từ 4,7% xuống 4,6%.

- Ảnh 3.

ADB vừa hạ dự báo tăng trưởng ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của ADB, triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển trong khu vực có thể tiếp tục bị ảnh hưởng từ việc leo thang căng thẳng thương mại và thuế quan của Mỹ, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cùng với tình trạng suy yếu hơn dự kiến của thị trường bất động sản Trung Quốc.

ADB dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, được giữ nguyên ở mức 4,7% năm nay và 4,3% trong 2026. Các chính sách kích thích tiêu dùng và hoạt động công nghiệp dự kiến cũng sẽ sẽ bù đắp phần nào tác động từ thị trường bất động sản suy yếu và xuất khẩu giảm.

Trong khi đó, Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực, được dự báo GDP tăng 6,5% trong 2025 và 6,7% vào 2026, lần lượt giảm 0,2% và 0,1%, vì tình trạng bất ổn về thương mại và mức thuế nhập khẩu cao hơn từ Mỹ.

Ông Albert Park, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, nhận định rằng, châu Á và Thái Bình Dương đã chống chịu được với môi trường bên ngoài ngày càng thách thức trong năm nay. Nhưng triển vọng kinh tế đang suy yếu trước các rủi ro ngày càng gia tăng và sự bất định toàn cầu. Do đó, các nền kinh tế trong khu vực cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế, đồng thời thúc đẩy mở cửa thương mại cùng hội nhập khu vực để hỗ trợ đầu tư, việc làm và tăng trưởng.

Theo dự báo của ADB, các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ chịu tác động mạnh nhất từ điều kiện thương mại xấu đi và tình trạng bất định. ADB dự báo tăng trưởng của tiểu vùng này đạt 4,2% trong năm nay và 4,3% trong năm 2026, giảm khoảng 0,5% mỗi năm so với dự báo hồi tháng 4.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị